Chị Nguyễn Thị Thắm, thôn Phú Quý, xã Tân Thọ, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) đã khởi nghiệp thành công với xưởng sản xuất đan thủ công tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường có thể thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần.
Khởi nghiệp thành công với xưởng sản xuất đan thủ công
Với phong trào chống rác thải nhựa và tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương. Chị Nguyễn Thị Thắm, thôn Phú Quý, xã Tân Thọ, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) đã khởi nghiệp thành công với xưởng sản xuất đan thủ công tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường có thể thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần. Từ đó đã góp phần giảm đáng kể rác thải nhựa ra môi trường.
Trong bối cảnh rác thải nhựa đang gây ra thảm họa cho môi trường, thì việc chị Nguyễn Thị Thắm sản xuất ra một sản phẩm thân thiện với môi trường, đã đóng góp một phần thay thế món đồ nhựa, mà đây còn là một thông điệp nhằm kêu gọi người dân cùng chúng tay bảo vệ môi trường.
Đến nay, HTX thủ công mỹ nghệ tạo việc làm cho 400-500 lao động với thu nhập bình quân từ 2-3 triệu đồng/người/tháng. Chủ yếu là các chị em phụ nữ có thời gian rảnh rỗi, người khuyết tật tại các xã Tân Phúc, Tân Khang, Trung Chính, Vạn Hòa (Nông Cống); Quảng Long, Quảng Yên (Quảng Xương), Đông Anh (Đông Sơn). Không những vậy, tất cả những lao động khuyết tật được HTX đào tạo nghề kỹ càng từ 2-3 tháng và hoàn toàn không phải đóng góp bất cứ khoản phí nào, đồng thời HTX cũng hỗ trợ toàn bộ chi phí vận chuyển nguyên vật liệu và sản phẩm cho tổ lao động này.
Thời điểm dịch Covid-19 vẫn cần công việc cho lao động sản xuất
Được biết, nhằm tránh việc tụ tập đông người trong thời điểm dịch Covid-19, chị Thắm đã cho tạm dừng việc tập trung lao động sản xuất tại cơ sở của HTX, thay vào đó là khuyến khích chị em sản xuất tại nhà. Chị Trịnh Thị Thụy, thôn Phú Quý, xã Tân Thọ cho hay: Chị em chúng tôi được cấp phát nguyên liệu về nhà để đan lát, sản xuất trong những lúc rảnh rỗi. Sau khi các sẩn phẩm được hoàn thiện chúng tôi có trách nhiệm mang đến HTX để bàn giao. Chính vì thế mà tôi có nhiều thời gian hơn để chăm sóc con cái, trông non dọn dẹp nhà cửa lại vừa có thể tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Theo đó, các sản phẩm của HTX thủ công mỹ nghệ rất đa dạng mẫu mã và nhiều chủng loại như mây song xiên, xiên giỏ tích, xiên giỏ rượu mây, lồng úp xuất khẩu, đan hàng rào nứa, thảm cói, giỏ đựng đồ, làn, túi xách và các loại mặt hàng bằng cói xiên, khay đựng… Giá dao động từ 9.000 đồng cho tới 500.000 đồng cho một sản phẩm tùy từng chất liệu, kích cỡ. Nhiều sản phẩm được nhập cho các công ty xuất khẩu cho thị trường các nước châu Á, châu Âu, đem lại doanh thu trên dưới 4 tỷ đồng/năm cho HTX. Đồng thời các sản phẩm này được làm từ các nguyên liệu như mây, tre, cỏ tranh… có sẵn trong tự nhiên, dễ phân hủy và hoàn toàn thân thiện với môi trường.
Cũng theo chị Thắm, thời gian gần đây các công ty lớn nhỏ, người dân khắp nơi đã tìm đến sản phẩm của HTX thủ công mỹ nghệ nhiều hơn. Không chỉ vì mẫu mã sản phẩm luôn được đổi mới, chất lượng cao mà còn do ý thức của cộng đồng đã được nâng cao đáng kể trong việc hạn chế sử dụng các đồ dùng bằng nhựa, vật dụng khó phân hủy. Thay vào đó, các mặt hàng, đồ dùng gia dụng được làm từ mây tre đan thân thiện với môi trường được ưa chuộng và phổ biến hơn bao giờ hết.
Những việc làm rất ý nghĩa của chị Thắm trong việc phát triền nghề thủ công mỹ nghệ tại địa phương, nhằm tạo việc làm hướng đi cho những người lao động khuyết tật không may mắn. Đồng thời tạo ra các sản phẩm đồ dùng từ nguyên liệu thiên nhiên làm giảm đáng kể việc sử dụng các vật liệu khó phân hủy, góp phần gìn giữ môi trường.